Giá cà phê 2 sàn diễn biến trái chiều. Robusta quay đầu tăng trong khi Arabica giảm. Cà phê sàn New York giảm khi đồng USD tăng nhẹ và thông tin thời tiết ở Brazil. Trong khi đó Robusta vẫn được hỗ trợ từ nguồn cung eo hẹp.
Hiệu chỉnh trái chiều sau nhiều phiên biến động mạnh trước đó. Giá cà phê trong nước điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng vẫn neo ở ngưỡng cao nhất từ trước đến nay. Mức giá thấp nhất là 73.400 đồng/kg ghi nhận tại Lâm Đồng, cao nhất là 74.100 đồng/kg ghi nhận tại Đăk Nông.
Lo ngại rủi ro tăng cao khi thị trường suy đoán khả năng Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ chưa thực hiện cắt giảm lãi suất đồng USD ngay trong tháng 3. Trong khi đó, nhiều nước sản xuất chính báo cáo xuất khẩu hàng tháng tăng góp phần thúc đẩy nhà đầu tư hiệu chỉnh vị thế ròng với khối lượng rất cao do đã “quá mua” trong các phiên trước đó.
Hiện tượng thời tiết El Nino trên vành đai Thái Bình Dương đã gây ra mối lo nguồn cung từ các quốc gia tại khu vực sản xuất Robusta lớn nhất thế giới. Tại Đông Nam Á, nguồn cung còn bị chậm trễ khi vận tải biển ách tắc, cùng với nông dân trữ hàng không bán.
Năm 2022, Việt Nam đã xuất đi một lượng cà phê lớn kỷ lục trong khi sản lượng thu hoạch lại giảm 10-15% so với vụ trước, cho nên lượng cà phê sẵn sàng cho xuất khẩu năm 2023 thấp. Nhu cầu đối với Robusta tăng mạnh trước bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu vì lãi suất tăng cao và kinh tế ảm đạm, đã thúc đẩy giá tăng mạnh hơn.
Điều kiện khí hậu ở Brazil, dữ liệu tồn kho do các sàn ICE London và New York theo dõi cấp phát và các cuộc xung đột địa chính trị tiếp tục được chú ý. Tại một số quốc gia sản xuất vẫn còn hiện tượng kháng giá khiến tốc độ kinh doanh bị chậm lại.
Tại nguồn cung Việt Nam, xuất khẩu cà phê tiếp tục tăng trong tháng cuối cùng của năm 2023 nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch 2023 – 2024 và nhu cầu ở mức cao từ các nhà nhập khẩu quốc tế. Kết thúc năm, xuất khẩu cà phê đạt hơn 1,6 triệu tấn (khoảng 27 triệu bao), giảm 8,7% so với năm 2022 nhưng kim ngạch thu về tăng 4,6% lên mức kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD.
Tồn kho ICE – Europe báo cáo ngày 23/1 tăng 1.480 tấn, tương đương tăng 5,05% ghi nhận ngày tăng đầu tiên sau 3 tuần sụt giảm liên tiếp cũng góp phần thúc đẩy các thị trường điều chỉnh giá tiêu cực.
Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 đạt 171,4 triệu bao, trong khi tiêu thụ ở mức kỷ lục 169,5 triệu bao. Tồn kho cà phê thế giới dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua là 26,5 triệu bao.
Cơ quan này cũng cho rằng trong năm nay ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ đà tăng của giá cà phê Robusta do lo thiếu hụt nguồn cung. Dù vụ mùa Việt Nam thu hoạch rộ, nhưng sức cung ứng không đủ mạnh như những năm trước.
Người dân đang có xu hướng hạn chế bán để chờ giá lên, đẩy giá cà phê nội địa tăng liên tục, Cục Xuất Nhập Khẩu cho biết. Trong niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Brazil được dự báo tăng 3,7 triệu bao lên 66,3 triệu bao. Chủ yếu là do sản lượng cà phê Arabica tăng 5,1 triệu bao lên 44,9 triệu bao.
Cây cà phê Arabica tại nhiều vùng sản xuất của Brazil tiếp tục phục hồi sau đợt sương giá nghiêm trọng, nhiệt độ cao và lượng mưa dưới mức trung bình xảy ra vào năm 2021 khiến sản lượng cà phê giảm trong niên vụ 2021-2022 và 2022-2023 thấp.
Mặc dù vậy, sản lượng cà phê Arabica của Brazil vẫn thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh gần 50 triệu bao của các niên vụ được mùa trước đó. Ở chiều ngược lại, sản lượng cà phê Robusta của Brazil được dự báo sẽ giảm lần đầu tiên sau 6 năm tăng trưởng liên tiếp với mức giảm 1,4 triệu bao xuống còn 21,4 triệu bao. Lượng mưa giảm và nhiệt độ thấp trong giai đoạn ra hoa làm giảm sản lượng tại bang Espirito Santo, khu vực sản xuất cà phê Robusta chính của Brazil.
Source: Tincaphe.com