Giá Cà Phê Robusta Ngắt Chuỗi Tăng Liên Tiếp: Trong Nước Giảm, Thương Mại Toàn Cầu Tăng Trở Lại
Tăng giảm trái chiều, Robusta điều chỉnh giảm sau chuỗi tăng liên tiếp, Arabica tăng nhẹ. Đầu cơ trên sàn London trong phiên cuối cùng của tháng đã bán mạnh để điều chỉnh vị thế kinh doanh khi đã mua quá mức thời gian trước đó.
Giá cà phê trong nước giảm so với hôm qua. Nhưng sau chuỗi ngày tăng mới đây, hiện ghi nhận cao nhất tại Đăk Nông 79.500 đồng/kg. Tính chung cả tháng 1/2024, giá cà phê trong nước tăng tới hơn 11.000 đồng/kg. Tháng 12/2023, giá cà phê trong nước tăng trung bình 8.500 đồng/kg ngay khi vụ thu hoạch đang diễn ra.
Nông dân trồng cà phê tại Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện sự kháng giá. Giới thương nhân chủ yếu giao hàng trực tiếp cho các thị trường tiêu thụ mà không giao qua sàn. Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ Tịch HĐQT Intimex Group, tập đoàn xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất Việt Nam, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ, khoảng 1,6 – 1,7 triệu tấn.
Năng suất cà phê tăng ở Lâm Đồng nhưng giảm ở nhiều tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Diện tích vùng trồng cà phê đang tiếp tục có xu hướng giảm, đặc biệt ở Đắk Lắk, Đắc Nông. Thu hoạch muộn hơn mọi năm do mưa tại các vùng trồng chính.
Theo Rabobank: Hiện tại Brazil đã xuất khẩu 39,2 triệu bao cà phê trong năm 2023, gần như ổn định (-0,4%) so với năm trước đó. Nhưng biến động của giá cà phê Arabica có liên quan đến khí hậu ở Brazil và lượng hàng tồn kho được ICE chứng nhận vẫn quanh quẩn ở mức thấp 24 năm.
Trong khi đó, dù thời gian gần đây ở miền Nam Brazil đã có mưa nhưng lượng mưa ghi nhận được vẫn dưới mức trung bình lịch sử. Cecafé nhận định, giá cà phê Conilon tăng do nhu cầu trong nước và thế giới ngày càng tăng, trong khi nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện sự kháng giá và những sự cố của tuyến hàng hải đi qua Biển Đỏ.
Cho dù Tổng Cục Thống Kê Việt Nam ước báo xuát khẩu cà phê tháng 1/2024 tăng mạnh, nhưng đã không góp phần cải thiện dữ liệu báo cáo tồn kho của ICE – London hiện đang tiếp tục giảm sâu xuống mức thấp nhất kể từ 2014 với 2.886 lô (khoảng 481.000 bao, bao 60 kg), theo dữ liệu báo cáo ngày 30/1.
Các nhà quan sát cho rằng, giới thương nhân chủ yếu giao hàng trực tiếp cho các thị trường tiêu thụ mà không giao qua sàn. Theo số liệu của Tổ Chức Cà Phê Quốc Tế (ICO): Sau khi giảm vào niên vụ trước, thương mại cà phê toàn cầu đang cho thấy xu hướng tăng trở lại.
Theo đó, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,6 triệu bao trong tháng 11/2023, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đưa tổng xuất khẩu trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 và tháng 11/2023) lên 20,2 triệu bao, tăng 3,1% so với niên vụ trước.
Xét về tỷ trọng, cà phê nhân xanh chiếm tới 92% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 11 với 9,8 triệu bao, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê nhân xanh tăng 3,9% lên 18,4 triệu bao. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia đã tăng tới 34% lên 1,15 triệu bao trong tháng 11.
Chủ yếu do Colombia, quốc gia xuất khẩu chính của nhóm cà phê này ghi nhận mức tăng 35,6%. Với kết quả này, xuất khẩu nhóm cà phê Arabica Colombia đã tăng 18,7% trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 lên 2,1 triệu bao.
Ngoài ra, xuất khẩu nhóm cà phê Arabica Brazil tăng 1,6% lên 3,6 triệu bao trong tháng 11 và tăng 4% sau 2 tháng đầu tiên của niên vụ 2023-2024, đạt hơn 7,3 triệu bao. Brazil, nước xuất khẩu chính của nhóm cà phê này đã bán ra 3,2 triệu bao trong tháng 11, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tương tự, xuất khẩu Robusta tăng 4% lên 3,7 triệu bao trong tháng 11. Đây là khối lượng xuất khẩu trong tháng 11 lớn nhất từng được ghi nhận, vượt mức đỉnh thiết lập được vào tháng 11/2022 do xuất khẩu Robusta của Brazil tăng đột biến 850,2%.
Mặc dù vậy, tổng xuất khẩu cà phê Robusta trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 vẫn giảm 2,5% so với cùng kỳ niên vụ trước, ở mức 6,2 triệu bao.
Trái ngược với cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan giảm 25,4% trong tháng 11 và giảm 3% trong 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuống còn 1,75 triệu bao.
Tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê các loại từ đầu niên vụ đến nay là 8,6%, giảm từ mức 9,2% của cùng kỳ năm trước. Brazil, nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, đã vận chuyển 0,24 triệu bao ra thị trường thế giới trong tháng 11 vừa qua. Xuất khẩu cà phê đã rang cũng giảm 15,5% trong tháng 11 và tính chung 2 tháng đầu niên vụ 2023-2024 chỉ đạt 0,1 triệu bao, giảm so với mức 0,13 triệu bao trong cùng kỳ niên vụ trước./
Nguồn: Tincaphe.com