Giá Cà Phê Còn Tăng Nữa Không?

Robusta hồi phục nhẹ, Arabica tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 01 tuần. Giá cà phê trong nước hôm nay giao động trong khoảng 117.500 – 118.500 đồng/kg sau phiên giảm mạnh, tuy nhiên thị trường không còn nhiều hàng để giao dịch.

Rạng sáng 4/9 trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,12%, đạt mốc 101,77.

Ngay sau khi trở lại giao dịch sau 3 ngày nghỉ, cà phê sàn New York tiếp đà giảm, trong khi đó Robusta chỉ tăng mạnh lúc đầu phiên, nhưng sau đó bị kéo giảm bởi sàn Arabica.

Giá cà phê Arabica trên sàn New York giảm tiếp do thời tiết các vùng trồng cà phê của Brazil có mưa và đồng USD hồi phục. Lượng cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York được cho là tăng 7.683 bao vào ngày 30/8, đạt mức 847.873 bao.

Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 02 tuần so với đồng EUR, khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho một tuần với rất nhiều dữ liệu quan trọng, bao gồm báo cáo bảng lương của Mỹ vào cuối tuần này có thể giúp định hình con đường cắt giảm lãi suất của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed).

Theo các chuyên gia, đợt tăng giá cà phê Robusta vừa qua đã thu hẹp mức khoảng cách đối với Arabica. Theo số liệu do Bloomberg tổng hợp, mức chênh lệch tuần trước là nhỏ nhất trong dữ liệu tính từ năm 2008.

Khi mà giá Arabica chỉ cao hơn giá Robusta có 28 Cent/lb, trong khi đó, trước thời kỳ cà phê tăng giá, giá Arabica cao hơn

Robusta đến 91 Cent/lb. Tuần trước, giá cà phê Arabica tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 năm qua và giá Robusta tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới, trên mức 5.000 USD/tấn bởi sự lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil.

Theo trung tâm giám sát thiên tai Cemaden, Brazil đang phải đối mặt với thời tiết khô hạn nặng nề nhất kể từ năm 1981. Thời điểm hiện nay tại Brazil, đang đánh dấu sự kết thúc của mùa Đông. Điều kiện thời tiết được dự báo là bình thường theo mùa, dự báo nhiệt độ sẽ tăng dần trong những ngày tới khi mùa Đông đã đi qua.

Đây chính là thời điểm giới trong ngành theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết các vùng trồng cà phê chính của Brazil trong những tuần tới. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu giá cà phê có còn tăng nữa không? Để trả lời câu hỏi này sẽ cần tập hợp của rất nhiều yếu tố.

Chẳng hạn, theo thông tin của Food Navigation mới đây, Brazil là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba sản lượng toàn cầu. Đây là nước sản xuất và cung cấp cà phê lớn nhất cho EU, xuất khẩu hơn 980.000 tấn sang khối này hàng năm.

Nhưng Nguồn cung này đang bị đe dọa, với tình trạng hạn hán trong khu vực gây ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng. Đáng quan tâm là tần suất và mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang bị đánh giá là gia tăng ở Brazil.

Ngoài ra, trước mắt, quy định mới về luật chống phá rừng của Liên Minh Châu Âu (EUDR) sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của hoạt động sản xuất cà phê. Nhưng cũng đang có nhiều người trồng cà phê phản đối luật mới, người ta hy vọng rằng sẽ có cách tiếp cận mang tính toàn diện hơn sẽ giúp bảo đảm một cách hài hòa cho tương lai của người nông dân và nhà sản xuất.

Trong khi đó dòng cung cấp cà phê toàn cầu hiện nay được ghi nhận là đang tiếp tục tăng tốc và nguồn đến nhiều hơn là từ Nam Mỹ. Các rào cản về hậu cần trên tuyến đường Á – Âu làm tăng chi phí xuất khẩu và tiếp tục hạn chế các lô hàng trong khu vực từ Châu Á.

Về nhà sản xuất Robusta số 1 thế giới, theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, lũy kế trong 8 tháng của năm 2024, Việt Nam đã xuất trên 1 triệu tấn cà phê với giá trị đạt hơn 4 tỉ USD, tuy giảm 12% về lượng nhưng tăng đến 36% về giá trị.

Chỉ trong 8 tháng, nhờ giá cà phê đạt mức cao nên kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ với năm 2023 (4,2 tỉ USD). Nhiều chuyên gia trong ngành tin rằng với giá cà phê ở mức xoay quanh mốc 5.000 USD/tấn như hiện nay thì trong 4 tháng còn lại của năm 2024 xuất khẩu cà phê có thể dễ dàng đạt từ 1,5 – 2 tỉ USD và xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục lập kỷ lục mới.

Giá cà phê Robusta hiện được củng cố bởi thị trường lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho cây cà phê và hạn chế sản lượng Robusta toàn cầu trong tương lai./

Nguồn: KTĐT.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *