Giá Cà Phê Robusta Giảm Nhiệt: Nguyên Nhân “Sự Đổi Ngôi” Trên Thị Trường Thế Giới

Tăng giảm trái chiều nhưng theo kịch bản khác hôm trước, Robusta giảm, Arabica tăng. Sau khi tăng mạnh 3 ngày liên tiếp, giá cà phê Robusta bất ngờ giảm nhiệt. Trong khi đó giá cà phê Arabica lại quay đầu tăng khi được hưởng lợi từ đồng USD chưa thể hồi phục.

Giá cà phê trong nước điều chỉnh giảm 600 đồng/kg xuống giao dịch trong khoảng giá 124.400 – 125.700 đồng/kg. Rạng sáng 7/6, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,18%, xuống mốc 104,19.

Trải qua một phiên giao dịch đầy hỗn loạn, Robusta đã quay đầu giảm sau khi đã tăng mạnh chạm mức cao nhất trong 02 tháng rưỡi, do áp lực thanh lý vị thế mua xuất hiện sau khi có tin tồn kho cà phê Robusta do ICE giám sát ngày 6/6 tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng là 5.167 lot.

Phiên điều chỉnh của sàn London, theo các chuyên gia là hợp lẽ, bởi các chỉ báo kỹ thuật cho mặt hàng cà phê này từ đầu tuần đều thiên về hướng giảm. Lực đầu cơ mua mạnh giúp Robusta tăng từ đầu tuần. Tuy nhiên khi giá đến đỉnh sẽ xuất hiện lực bán mạnh kéo thị trường xuống nhanh.

Sự phục hồi của tồn kho cà phê ICE từ mức thấp lịch sử là điều tiêu cực đối với giá cả, nhất là nó thường kích thích những thành phần đang nắm vị thế mua lớn, thanh lý bớt vị thế đang nắm trong khi chờ mùa Đông Brazil đến.

Trong hai tuần qua, những thành phần như quản lý Nguồn Quỹ, những nhà đầu cơ đã không thanh lý vị thế mua như người ta đã tiên đoán mà lại còn tăng lượng mua ròng của mình thêm, khiến cho giá thị trường tăng trở lại với các mốc cao đã từng xác lập.

Tuy nhiên, hiện tượng giá cà phê Arabica xuất khẩu thấp hơn Robusta tới 32 USD/tấn là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm của ngành cà phê thế giới. Nguyên nhân của sự đổi ngôi này là do trước đây, các nhà rang xay, chế biến dần thay đổi công thức sử dụng nguyên liệu cà phê Robusta nhiều hơn vì giá rẻ, lợi nhuận nhiều hơn.

Khi Robusta được sử dụng nhiều mà Nguồn Cung bị hụt nên giá tăng trong khi công thức rang xay, chế biến không thể thay đổi một chiều. Về dài hạn, giá cà phê Robusta tiếp tục được củng cố bởi những lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Việt Nam xem ra vẫn chưa được cải thiện.

Giới phân tích dự báo, thị trường cà phê London nhiều khả năng vẫn còn chỗ để tăng tiếp khi nó đã mạnh mẽ lướt qua đỉnh của ngày 25/4, các chỉ số kỹ thuật trên đồ thị ngày, của thị trường London đều cho tín hiệu tốt để ủng hộ phe tăng.

Đặc biệt theo báo cáo vị thế của thị trường London tính đến ngày 28/5 so với một tuần trước thì giới Quản Lý Nguồn Quỹ đã tăng vị thế mua của mình lên 30.464 lot so với con số vị thế mua là 28.421 lot của một tuần trước đó.

Trong khi thị trường New York lại thể hiện sự đuối đà trên đồ thị kỹ thuật, chỉ số tương quan sức mạnh mua/bán RSI trên thị trường này đã thể hiện sự yếu kém của phe mua mặc dù chỉ số này chưa đạt mức tối đa. Thị trường này có vẻ đã thất bại khi cố chinh phục đỉnh cũ gần nhất nằm trong khoảng 233-235 Cent tính theo giá 9.

Ngày 6/6, dự trữ cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận trên thị trường New York được cho là đã tăng 7.945 bao, ghi nhận lượng tồn kho này ở mức 798.683 bao. Trong khi, tồn kho cà phê Robusta được chứng nhận trên Sàn London được cho là đã tăng 43.000 bao tính đến ngày 4/6, đăng ký ở mức tổng cộng 826.167 bao, trong đó loại hàng Conillon Robusta từ Brazil chiếm hơn 90%.

Mặc dù tăng trưởng giá trị xuất khẩu ấn tượng nhưng ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu do nắng nóng và hạn hán kéo dài. Kể từ đầu vụ cà phê vào tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,2 triệu tấn cà phê, nghĩa là tồn kho thấp trong khi giá vẫn ở mức cao.

Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) dự báo: Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023 – 2024 có thể đạt 1,61 triệu tấn cà phê các loại, trong đó có khoảng 1,46 triệu tấn là cà phê nhân. Theo Hải Quan Việt Nam, tính từ đầu niên vụ (2023 – 2024) đến hết tháng 5, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã đạt khoảng 1,2 triệu tấn.

Việc giá cà phê tăng mạnh liên tục thời gian qua khiến các nhà xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do giá nội địa còn tăng nhanh hơn giá thế giới.

Một số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, thực tế giá cà phê Robusta xuất khẩu hiện đã lên tới mức 5.200 – 5.500 USD/tấn còn cà phê Arabica từ 4.000 – 5.200 USD/tấn.

Hiệp Hội Cà Phê – Cacao Việt Nam (Vicofa) kỳ vọng giá cà phê sẽ duy trì ở mức cao trong tháng 6. Tuy nhiên, Bộ Nông Nghiệp kêu gọi nông dân không tăng cường trồng cà phê mà không tuân theo kế hoạch.

Cà phê là một trong bảy sản phẩm nằm trong phạm vi Quy định phá rừng của EU, sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo quy định này, cà phê, nếu không được chứng minh là không liên quan đến nạn phá rừng sau ngày 31/12 sẽ không được phép vào EU.

Nguồn: Tincaphe.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *