Giá Cà Phê Robusta Tăng Vọt: Dự Báo Kịch Bản Sản Lượng Vụ 2024 – 2025 Của Việt Nam?

Trong bối cảnh “mình một chợ”, cà phê Robusta quay đầu tăng giá mạnh. Đồng USD giảm phiên vừa qua cũng là một nhân

tố kích thích giá tăng. Giá cà phê trong nước quay đầu tăng so với cùng thời điểm hôm qua, giao dịch trong khoảng 122.000 – 123.000 đồng/kg.

Đồng USD giảm phiên vừa qua cũng là một nhân tố kích thích giá tăng. Rạng sáng 5/7, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,28%, xuống mốc 105,13.

Trên thị trường tài chính, đồng USD giảm do dữ liệu kinh tế Mỹ vừa được công bố thấp hơn dự kiến, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tăng vào tuần trước.

Trong khi đó, cà phê Robusta còn được hỗ trợ bởi thông tin xuất khẩu cà phê của các nước đang giảm, ghi nhận ở nhiều Nguồn cung lớn như Việt Nam, Indonesia, Costa Rica… Vấn đề lo ngại hàng đầu của thị trường là tồn kho cà phê tại Việt Nam rất khan hiếm, dẫn đến Nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.

Theo báo cáo của Cục Trồng Trọt (Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn), diện tích cà phê của Việt Nam là 709.041 ha, năng suất đạt 29,8 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 1.953.990 tấn cà phê nhân.

Các vùng trồng cà phê lớn đều diễn ra hạn hán và sâu bệnh khiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 – 2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, làm giảm mạnh Nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới.

Hãng tư vấn Hedgepoint đưa ra 3 kịch bản dự báo sản lượng cà phê Việt Nam vụ 2024 – 2025. Trong đó, kịch bản tiêu cực nhất, sản lượng cà phê chỉ còn 27 triệu bao. Với kịch bản tích cực nhất, sản lượng được dự báo cũng chỉ đạt tối đa 28,7 triệu bao.

Cơ quan này cho biết, dù lịch bản nào xảy ra, tồn kho cà phê tại Việt Nam vẫn khan hiếm, dẫn đến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và giá dao động ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước.

Theo Nikkei Asia, trong Quý trước, giá cà phê thế giới tăng khoảng 20% giữa bối cảnh thời tiết nắng nóng diễn ra ở các khu vực trồng cà phê lớn ở Châu Á. Vào cuối tháng Sáu, giá cà phê Robusta giao dịch kỳ hạn tại London tăng hơn 18,1% so với cuối tháng Ba và đạt mức cao kỷ lục 4.394 USD/tấn vào ngày 6/6.

Giá cà phê Arabica giao dịch kỳ hạn tăng 20,6%. Đà tăng trên diễn ra ngay cả khi chỉ số FTSE/CoreCommodity CRB, một chỉ số quốc tế cho thị trường hàng hóa nói chung, vẫn dao động quanh mức 290 vào cuối tháng Sáu, gần như không thay đổi so với cuối tháng Ba.

Giá dầu thô giao dịch kỳ hạn, yếu tố then chốt đóng góp vào chỉ số trên, đã giảm khoảng 1-2% trong cùng kỳ. Nắng nóng ở Đông Nam Á là nguyên nhân chính khiến giá cà phê tăng vọt. Kể từ tháng Tư, nhiệt độ trung bình tại Thái Lan và Philippines, Việt Nam nóng hơn bình thường.

Chuyên gia Masanobu Takano, làm việc tại bộ phận cà phê và trà tại công ty giao dịch hàng hóa S. Ishimitsu & Co, có trụ sở tại Kobe (Nhật Bản) nhận định, sản lượng thu hoạch cà phê Robusta năm trước đã kém nên mối lo ngại sản lượng tiếp tục giảm năm thứ hai liên tiếp đã thúc đẩy giá cà phê tăng.

Trong khi đó, thời tiết nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến Châu Á. Theo Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ, tháng Năm vừa qua là tháng nóng kỷ lục trên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình đã vượt qua mức cao kỷ lục trong tháng được thiết lập vào năm 2020.

 Nguồn: KTĐT.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *