Tiếp tục tăng giảm trái chiều, Robusta tăng và Arabica giảm. Giá cà phê Robusta tiếp nối đà tăng do vẫn còn nguyên mối lo thiếu hụt nguồn cung. Không chỉ lo ngại dài hạn về khả năng cung cấp hàng của các nước xuất khẩu lớn mà còn do tuyến hàng hải Á – Âu qua kênh đào Suez vẫn còn nguyên ách tắt tại Biển Đỏ, chưa có hướng giải quyết trong “một sớm, một chiều”.
Hiện tại, hầu hết tàu container phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi với tuyến đường xa hơn, tốn kém thời gian nhiều hơn đã đội cước vận tải phí tiếp tục lên cao chưa thấy điểm dừng.
Thông tin nông dân các nước sản xuất ở khu vực Châu Á tiếp tục găm hàng do kỳ vọng giá còn tăng cao hơn nữa, khi chưa thấy xuất hiện thêm bất kỳ nguồn cung nào. Trong khi đó, dữ liệu báo cáo của ICE – London cho thấy mức tồn kho tiếp tục sụt giảm. Ngày 24/1, đã giảm thêm 0,39% so với ngày trước đó, xuống ở mức 30.670 tấn.
Giá cà phê Arabica tại sàn giao dịch phái sinh New York sụt giảm phiên thứ 2 sau dự báo thời tiết cập nhật về vùng trồng cà phê chính ở miền Nam Brazil sắp có lượng mưa rất đáng kể, giúp làm giảm mối lo khô hạn, tăng kỳ vọng về một vụ thu hoạch tốt hơn. Tình hình khiến các quỹ và đầu cơ đẩy mạnh thanh lý vị thế ròng hiện đang nắm làm giá tiếp tục suy yếu.
Dữ liệu báo cáo của ICE – New York cũng cho thấy mức tồn kho có sự bổ sung rất đáng kể. Đặc biệt, thông tin ICE – New York sẽ tăng mức cộng cố định cho một số nhà sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao nhằm thu hút nguồn hàng đưa về sàn tham gia bán đấu giá với kỳ vọng cải hiện mức tồn kho tại sàn hiện đã quá thấp.
Hơn nữa, đồng Reais của Brazil phục hồi từ mức thấp 12 tuần sau khi tăng thêm 0,43% đưa tỷ giá lên mạnh đã khuyến khích nông dân nước này đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu, cũng khiến giá cà phê kỳ hạn tại New York sụt giảm trở lại.
Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) đã công bố quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản sau cuộc họp chính sách tiền tệ. Lãi suất chính đồng Euro hiện đang ở mức 4,0 – 4,50%/ năm đã hỗ trợ giá cà phê Robusta hồi phục trở lại do ảnh hưởng tiêu cực từ sàn New York trước đó.
EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới. Trong đó, dữ liệu cho thấy trong các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam năm 2023, bao gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga… EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với khối lượng đạt 600.548 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, chiếm 37% về lượng và 35% về trị giá trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Tuy nhiên, so với năm 2022 xuất khẩu cà phê sang thị trường này đã giảm 12,8% về lượng và giảm 0,7% về trị giá. Tại EU, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường Đức đạt 196.090 tấn, giảm 12,7%; Italy đạt 142.191 tấn, tăng 2,1%; Tây Ban Nha và Bỉ giảm lần lượt là 20% và 50,5%…
Theo một chuyên gia về ngành cà phê, tất cả những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều đã có mặt ở Việt Nam. Trước đây, họ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề trồng, chế biến theo cách chủ yếu là mua cà phê nhân chưa qua chế biến.
Lúc đó thuế suất bằng 0 và họ bảo hộ phần chế biến. Khi Hiệp Định EVFTA có hiệu lực, thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0% đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao được kim ngạch xuất khẩu.
Hiện nay, để tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA nhằm xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp cà phê cũng phải đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Đối với Quy định của Nghị Viện Châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), diện tích phá rừng và gây suy thoái rừng lấy thời điểm từ ngày 31/12/2020 trở lại đây và thời gian cho doanh nghiệp lớn chuẩn bị là 18 tháng.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 24 tháng. Đến ngày 1/1/2025, EU sẽ thực hiện giám sát các nước sản xuất đưa cà phê sang Châu Âu, các sản phẩm cà phê trồng trên những diện tích phá rừng sẽ bị trả về.
Các chuyên gia cho rằng, quy định EUDR mà Châu Âu đưa ra không phải vì mục đích ngăn cản sản phẩm hàng hóa vào thị trường EU, mà họ mong muốn có được các sản phẩm sạch, đảm bảo hợp pháp, hướng tới sản xuất và thương mại bền vững. Do vậy, doanh nghiệp không nên xem đây là vấn đề thách thức mà cần xem đây là các vấn đề phải vượt qua./
Nguồn: Tincaphe.com