Bộ Công thương dự báo xuất khẩu điều năm 2024 vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, ngành điều cũng đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, chi phí sản xuất, cùng làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng để giữ vững đà xuất khẩu.
Tính chung quý I/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 147 nghìn tấn, trị giá 782 triệu USD, tăng 31,8% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tăng đột biến
Hiện Việt Nam giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu trong 16 năm liên tiếp.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 3/2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 55 nghìn tấn, trị giá 289 triệu USD, tăng 106,8% về lượng và tăng 103,4% về trị giá so với tháng 2/2024, so với tháng 3/2023 tăng 10,7% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá.
Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt 5.248 USD/tấn trong tháng 3/2024, giảm 1,7% so với tháng 2/2024 và giảm 11,6% so với tháng 3/2023.
Tính chung quý I/2024, giá xuất khẩu bình quân điều của Việt Nam ước đạt mức 5.329 USD/tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Về cơ cấu chủng loại, 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt điều so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ hạt điều WS/WB, SP, DW.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320 và W240, tỷ trọng chiếm 56,71% tổng lượng hạt điều xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều W320 và W240 tác động tích cực lên hoạt động của ngành.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của hạt điều Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan đều ghi nhận tăng trưởng cao. Trong đó, đáng chú ý, thị trường Trung Quốc có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2024 tăng trên 600% so với cùng kỳ năm 2023.
“Sự tăng đột biến trong xuất khẩu trong quý 1/2024 là một tín hiệu tích cực cho tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Việc duy trì và phát triển xuất khẩu sẽ tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, một chuyên gia nhận định.
Vẫn còn nhiều việc cần làm
Là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành điều Việt Nam, ông Vũ Thái Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn – nhận định, tình hình tiêu thụ hạt điều trong năm 2024 sẽ sáng sủa hơn năm 2023. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ hạt điều chế biến sâu đang tiếp tục tăng lên và các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đang thúc đẩy Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này.
Đồng tình quan điểm này, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, sản xuất các sản phẩm hạt điều chế biến sâu, hạt điều chất lượng cao, từ đó, đã tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn so với mặt bằng chung, doanh nghiệp cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, trách nhiệm xã hội…
Tuy nhiên, ông Trần Công Khanh – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều – cho hay, những thách thức đối với hạt điều Việt Nam hiện nay đó là sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn còn thấp, sức cạnh tranh một số sản phẩm vẫn còn kém.
Để tận dụng những dư địa của ngành điều, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm điều đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng là một kênh quan trọng trong quảng bá và giúp ngành hạt điều Bình Phước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, FTA lại có tác động tích cực đối với xuất khẩu hạt điều chế biến sâu bởi trước đây các chính phủ đánh thuế nhập khẩu những sản phẩm này để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhưng trong các FTA mà Việt Nam đã ký, hạt điều chế biến sâu nhập khẩu từ Việt Nam đã được giảm thuế xuống bằng 0%.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong ngành chế biến điều, đặc biệt các sản phẩm chế biến sâu; chủ động giảm thiểu tối đa xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, tiến tới thực hiện xuất khẩu chính ngạch theo hợp đồng sang thị trường Trung Quốc; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường nào; tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và có hiệu lực, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới…
Ngoài ra, cần chú trọng từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến đầu tư, quản trị dây chuyền chế biến tiên tiến; đầu tư cho nghiên cứu thị trường, phát hiện và khơi dậy nhu cầu từ đó chế biến những sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng; đồng thời có phương thức quảng bá năng động, sáng tạo để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Đối với chính sách, Nhà nước cần có các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước bằng việc quy định rõ hơn về việc nhập khẩu và sơ chế điều nhân.
Nguồn: VNBusiness