Thị trường bán lẻ Việt Nam “mảnh đất màu mỡ”
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh.
Giai đoạn từ 2015 đến 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%.
Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 05 năm trở lại đây.
Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam thì các thương hiệu đang hiện diện càng tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống. Đã có hàng tỷ USD vốn ngoại rót vào thị trường, hình thành cuộc đua mở chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Những doanh nghiệp đang hiện diện tại Việt Nam cũng mở rộng đầu tư. Ông Masaki Suzuki – Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính Aeon (Nhật Bản) trong cuộc gặp Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 25/2 cho biết, Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á. Aeon sẽ đầu tư 5 tỷ USD để mở 30 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Việt Nam và dự kiến tạo việc làm cho 50.000 lao động.
Giữa tháng 12/2018, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) – đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam – đã khai trương trung tâm thương mại GO! Mỹ Tho tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Tập đoàn này từng cho biết sẽ đổ thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Việt Nam với thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng, trong đó đa phần là người trẻ và sự đô thị hóa mạnh mẽ nên ngành bán lẻ còn nhiều tiềm năng để phát triển. Đồng thời, việc kết thúc đàm phán và ký các hiệp định như Đối tác tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định thương mại với EU (EVFTA), hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn từ nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam.
Thương mại hiện đại xu hướng của tương lai.
Nếu năm 2010, cả nước có khoảng 8.500 chợ, hơn 500 siêu thị và gần 100 trung tâm thương mại thì đến năm 2017 có 8.539 chợ, 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn.
Thực tế, tại Việt Nam hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đóng góp rất lớn, khoảng 83%, ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng nhanh, trong khi kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 17%.
Với bán lẻ hiện đại, kinh doanh theo chuỗi là mơ ước của các nhà bán lẻ và mở rộng chuỗi là xu thế tất yếu. Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới, các doanh nghiệp bán lẻ đều xây dựng hệ thống phân phối phủ rộng đến các tỉnh – thành. Trong đó, Chủ sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+.
Kế hoạch của nhà bán lẻ này đến năm 2020 là sẽ mở rộng 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi.
Đứng thứ hai thị trường về số lượng điểm bán là chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động. Hiện tại, Bách hóa Xanh đã có 430 cửa hàng và đặt mục tiêu nâng lên 500 cửa hàng vào cuối năm nay.
Saigon Co.op – đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Smile, Co.op Food đã xây dựng các chuỗi bán lẻ với hơn 600 điểm bán. Chỉ riêng mô hình siêu thị, doanh nghiệp này đã có chuỗi 111 Co.opmart tại nhiều tỉnh – thành.
Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, nhà bán lẻ nước ngoài cũng đã xây dựng hệ thống chuỗi với số lượng lớn. Chẳng hạn như Big C có 35 siêu thị, MM Mega Market (Thái Lan) có 19 trung tâm, Lotte Mart (Hàn Quốc) có 13 siêu thị và đại siêu thị… Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc tham vọng đạt 60 siêu thị Lotte Mart tại Việt Nam vào năm 2020.
Cơ hội hay thách thức của hàng Việt trước xu hướng hội nhập.
Nhìn được tiềm năng tăng trưởng và cơ hội phát triển tương lai thị trường bán lẻ Việt Nam, thu hút rất nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đẩy mạnh đầu tư. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Sài Gòn Co.op, Vingroup… mới đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, thông qua việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, hàng Việt Nam vẫn giữ được chỗ đứng tại các kênh phân phối bán lẻ truyền thống và hiện đại.
Theo báo cáo của các Sở Công Thương các địa phương, tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị vẫn được duy trì ở mức cao trên 80%, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 65% đến 95%, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Tỷ lệ hàng Việt tại một số nhà bán lẻ: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vinmart (96%), Vissan (95%), Hapro (95%)…), Lotte, Big C (90%), AEON – Citimart (82-85%), Auchan (65%), TTTM Emart (96%), TTTM Saigon Centre (68%)…