Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đầu năm 2020, diễn biến của dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu ngành hàng cá tra Việt Nam.
Các tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu. Đây là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể, sang Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%.
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản – cho biết Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp.
Dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3/2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020 nên cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Để ngành cá có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, Việt Nam cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng; thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam.
Cùng với đó, tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước như làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu, và đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường bước đầu đã khống chế dịch COVID-19 như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN… và những thị trường lớn tiềm năng như Mỹ, Nga, Brazil…
Ấn Độ được xem là một thị trường tiềm năng của ngành hàng cá tra Việt Nam. Dân số Ấn Độ hiện trên 1,3 tỷ người và dự kiến trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027. Sản lượng nuôi cá tra của Ấn Độ đạt 0,85 triệu tấn vào năm 2018, nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại quốc gia này chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra fillet thịt trắng và đảm bảo VSATTP như của Việt Nam. Hiện tại sản phẩm cá tra fillet Việt Nam được xem là sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng tại Ấn Độ.
Vào ngày 12/2/2020 Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn. Dự kiến vào tháng 5/2020 sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua và có thể có hiệu lực vào tháng 7/2020. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra để tận dụng lợi thế các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới.
Thời điểm hiện tại được đánh giá không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam nỗ lực vượt qua thử thách mà còn là cơ hội để các nhà nhập khẩu tại thị trường Mỹ và EU mua cá tra với giá tốt khi thị trường nhập khẩu lớn của cá tra Việt Nam là Trung Quốc đang bị gián đoạn.
Hơn 40 kinh nghiệm trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy hải sản và với những thành quả đạt được, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu (khối Nông nghiệp của HungHau Holdings)tự hào là một trong những doanh nghiệp tiên phong mang đến thị trường những sản phẩm chế biến từ thủy hải sản có chất lượng cao. Với đội ngũ công nhân, kỹ sư giàu kinh nghiệm và nhà máy với những trang thiết bị hiện đại, đây là thời điểm thích hợp để công ty nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội để mang sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng.