Hàng trăm nghìn tấn hàng từ châu Phi đổ bộ đưa Việt Nam trở thành ông trùm xuất khẩu của thế giới: Giá hấp dẫn, nước ta chi hơn 2 tỷ USD gom hàng
Bên cạnh châu Phi, Campuchia cũng đang tăng xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam.
Ảnh minh họa
Việt Nam sở hữu một loạt các loạt nông sản tỷ USD xếp thứ hạng cao trên thế giới phải kể đến gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, sắn,…
Đáng chú ý, hạt điều là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta khi đang giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân và chiếm tới gần 80% tổng sản lượng toàn cầu.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, vào năm 2018, Việt Nam sản xuất khoảng 2,66 triệu tấn hạt điều, tăng 23% so với năm 2017. Con số này gấp 3,4 lần so với Ấn Độ, nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới với sản lượng 790.000 tấn, giúp Việt Nam trở thành vua hạt điều của thế giới.
Mặc dù vậy nhưng Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu điều thô từ nhiều nhà cung cấp trên thế giới. Các nhà máy chế biến điều ở Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu với hơn 3 triệu tấn điều thô, trong đó khoảng 2,2 triệu tấn từ châu Phi, chủ yếu là Tây Phi. Nguồn cung trong nước chỉ đảm bảo 10%.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hạt điều về Việt Nam trong tháng 7 đạt 291.413 tấn với trị giá hơn 346 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 7% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, nước ta đã nhập hơn 1,7 triệu tấn hạt điều với trị giá hơn 2,1 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 0,6% về trị giá so với 7T/2023.
Xét về thị trường, Campuchia là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất của Việt Nam trong 7T đầu năm với hơn 786 nghìn tấn, kim ngạch cán mốc 1,01 tỷ USD, tăng 34% về lượng và tăng 26% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói mức giá cũng chứng kiến rẻ hơn so với năm trước với 1.287 USD/tấn, tương ứng mức giảm 6%.
Ngoài Campuchia, 2 quốc gia châu Phi đang nổi lên là nhà cung cấp hạt điều lớn cho Việt Nam là Bờ biển Ngà và Ghana.
Cụ thể, nhà cung cấp lớn thứ 2 của Việt Nam là Bờ biển Ngà với hơn 325 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 368 triệu USD, giảm 20,5% về lượng và giảm 22% về trị giá so với năm trước. Giá bình quân đạt 1.134 USD/tấn, giảm 2,7% đồng thời rẻ hơn đáng kể so với mức giá nhập khẩu từ Campuchia.
Đứng thứ 3 là Ghana với hơn 201 nghìn tấn, trị giá hơn 222 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 12% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá bình quân đạt 1.104 USD/tấn, giảm 2% so với cùng kỳ đồng thời cũng thấp hơn gần 10% so với giá của Campuchia.
Bên cạnh 2 quốc gia châu Phi nêu trên, nước ta còn nhập khẩu hạt điều từ một số quốc gia khác của châu lục này như Nilgeria, Tanzania tuy nhiên chỉ chiếm thị phần rất nhỏ.
Ngay sau vụ thu hoạch điều năm 2024, giá hạt điều thô trong nước và nhập khẩu đều tăng mạnh. Nguyên nhân giá hạt điều tăng cao như hiện nay do nguồn cung giảm mạnh vì diện tích cây trồng này ngày càng bị thu hẹp.
Đối với Việt Nam, về tình hình xuất khẩu, trong năm 2023 nước ta đã thu về hơn 3,6 tỷ USD từ hạt điều với 644.135 tấn, tăng mạnh 24% về lượng và tăng 18,1% so với năm trước.
Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt mức kỷ lục 3,8 tỷ USD (cao hơn khoảng 200 triệu USD so với năm 2023).
Bộ Công Thương cho biết xuất khẩu điều năm 2024 vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, ngành điều cũng đang phải đối mặt với bài toán nguyên liệu, chi phí sản xuất, cùng làn sóng dịch chuyển sang sản xuất xanh. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, đầu tư nâng cao chất lượng để giữ vững đà xuất khẩu.
Như Quỳnh (theo Nhịp sống thị trường)