Nghịch Lý Cà Phê Xuất Khẩu: Càng Bán Càng Lỗ

Giá cà phê xuất khẩu tăng nhưng cà phê Việt Nam đã cạn dần, tồn trong kho không nhiều. Hiệp hội Cà Phê Việt Nam (Vicofa) cho biết, lượng cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2023 – 2024 của Việt Nam ước tính giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,336 triệu tấn.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tại Việt Nam mùa khô năm nay đến sớm hơn mọi năm và tình hình nắng nóng kéo dài khiến mực nước tại các hồ đập trên địa bàn một số tỉnh giảm nhanh. Lo ngại tình trạng hạn hán có thể ảnh hưởng đến cây trồng khiến giá cà phê tăng mạnh trong tuần vừa qua.

Dự báo ít nhất từ đây đến tháng 5/2024, giá vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do lượng hàng từ Brazil và Indonesia chưa thể bù đắp. Bên cạnh đó, lo ngại những cơn mưa lớn gần đây ở các vùng trồng của Brazil có thể đã gây thiệt hại cho cây cà phê, đẩy Arabica tăng tới 12% trong tuần qua.

Nhận định cho giá cà phê tuần này, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho hay, có nhiều bất lợi cho đà tăng. Bởi lượng mua khống trên 02 sàn đang quá nhiều. Bên cạnh đó tồn kho trên sàn cũng tăng trong tuần qua.

Mua giá cao, bán giá thấp: Đó là chia sẻ của ông Phan Minh Thông, Chủ Tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần Phúc Sinh về tình trạng của hầu hết các nhà chế biến, xuất khẩu cà phê hiện nay khi giá cà phê leo thang. Cụ thể, tháng 11/2023, giá cà phê nguyên liệu dao động ở mức 59.000 – 60.000 đồng/kg, nhưng chỉ một tháng sau đã tăng vọt lên 69.000 đồng/kg và đến đầu năm nay vượt mức 80.000 đồng/kg.

Đà tăng giá của loại nông sản này vẫn chưa dừng lại khi sang tháng 3/2024, giá vọt lên hơn 95.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ sau 5 tháng, giá cà phê đã tăng hơn 61%. Đây là mức tăng kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay.

Trước sự tăng giá “chóng mặt” của cà phê, ông Phan Minh Thông cho biết, nhiều nông dân, nhà vườn hạn chế giao hàng số lượng lớn cho dù đã chốt giá với doanh nghiệp trước đó, dẫn tới việc các công ty chế biến, xuất khẩu thiếu hụt Nguồn cung nguyên liệu, hoặc buộc phải mua thêm với giá cao hơn để đảm bảo giao hàng cho đối tác nước ngoài theo đúng hợp đồng xuất khẩu đã ký.

Mỗi tấn cà phê xuất khẩu như vậy, doanh nghiệp lỗ hàng chục triệu đồng, mà các hợp đồng xuất khẩu cà phê được ký kết thường lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấn, nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chịu thiệt hại rất lớn.

“Mua nguyên liệu giá cao theo thị trường, nhưng giá bán sản phẩm không dễ để tăng vọt theo như vậy. Mua giá cao, bán giá thấp, nên doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề”, ông Thông bày tỏ. Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám Đốc thương hiệu cà phê nông sản Meet More cho hay, giá cà phê nguyên liệu tăng gấp đôi chỉ trong mấy tháng gần đây, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

“Thời gian từ lúc ký hợp đồng đến lúc giao hàng khoảng 7 tháng. Hợp đồng được ký kết thực hiện cho cả một năm với giá thu mua cũ khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg. Chúng tôi phải thực hiện đúng hợp đồng, dù đang bán với giá thấp hơn 5 – 10% so với chi phí sản xuất”,

ông Luận chia sẻ thực trạng của doanh nghiệp.

Theo ông Luận, chưa bao giờ, Công ty rơi vào cảnh khó khăn như hiện tại khi càng bán càng lỗ. Doanh nghiệp không dám nhập nguyên liệu dự trữ khi giá đang cao, mà chỉ nhập đủ số lượng để giao nốt những đơn hàng đã ký. “Hiện tại, chúng tôi không dám ký mới với những đơn hàng giá thấp”, ông Luận nói.

Meet More dự kiến tiếp tục “gồng lỗ” tới hết tháng 6 năm nay, hoàn thành những hợp đồng đã ký để giữ uy tín, đồng thời chuẩn bị thay đổi báo giá với khách hàng theo tình hình giá nguyên liệu vào tháng 7/2024.

Nhu cầu lớn, nhưng nguồn cung thiếu hụt: Lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng cao chóng mặt, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ Tịch Hiệp Hội Cà Phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, nên sản lượng cà phê giảm sút. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023 – 2024, sản lượng hụt khoảng 10%.

Các cuộc xung đột trên thế giới, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng cũng đẩy giá cà phê lên cao. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trên thế giới bắt đầu chọn cà phê để đầu cơ (sau dầu mỏ và vàng), khiến giá cà phê tăng nóng.

Trong khi đó, tồn kho cà phê của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến từ mùa vụ trước ở mức thấp, dẫn tới cán cân

cung – cầu có sự chênh lệch lớn. Theo Chủ Tịch Vicofa, thời gian tới giá cà phê chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nên doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để cân đối nguồn hàng và đưa ra chiến lược mua – bán hợp lý.

Đề cập vấn đề cung – cầu, bà Văn Thị Loan, Giám Đốc Công Ty TNHH Real Bean Coffee thông tin, nhu cầu cà phê Robusta đang tăng cao ở nhiều nước trên thế giới thay vì chỉ chuyên dùng cà phê Arabica. Đặc biệt, tại Trung Quốc, những năm gần đây, người dân cũng chuyển từ uống trà sang uống cà phê, góp phần đẩy mạnh nhu cầu cà phê nguyên liệu.

Bà Loan phân tích, Việt Nam vẫn đang chiếm ưu thế về Nguồn cung nguyên liệu cà phê, “một mình một chợ”, nên giá cà phê nguyên liệu chưa giảm ngay được. Tuy nhiên, từ sau tháng 4 thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại, khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh./

Nguồn: Tincaphe.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *